Thời kỳ các đế quốc thảo nguyên Lịch_sử_Trung_Á

Các dân tộc thảo nguyên đã nhanh chóng thống trị Trung Á, buộc các thành bang và vương quốc chia cắt phải cống nộp nếu không sẽ bị hủy diệt. Tuy nhiên, năng lực quân sự của các dân tộc thảo nguyên bị hạn chế bởi tính thiếu cấu trúc chính trị trong các bộ lạc. Thỉnh thoảng, các nhóm lại liên hiệp lại dưới sự lãnh đạo của một đại hãn (khan). Khi số lượng lớn của dân du mục liên minh với nhau, sức mạnh và sức tàn phá của họ tăng lên, giống như khi người Hung Nô tấn công Tây Âu. Tuy nhiên, theo truyền thống các lãnh địa chinh phục được được chia cho các con trai của khan, vì thế, những đế chế này thường suy giảm cũng nhanh như khi chúng hình thành.

Khi các cường quốc nước ngoài bị trục xuất, một số đế quốc bản địa đã hình thành ở Trung Á. Các đế quốc Hephthalite là các thế lực mạnh nhất trong số các nhóm du mục tại thế kỷ VI và VII và kiểm soát phần lớn khu vực. Trong thế kỷ X và XI khu vực bị phân chia giữa một số quốc gia hùng mạnh bao gồm Vương triều Samanid của người Turk Seljuk và Đế quốc Khwarezmid.

Khi Thành Cát Tư Hãn thống nhất các bộ tộc Mông Cổ, sức mạnh Trung Á đã vượt xa ra ngoài phạm vi khu vực. Sử dụng kỹ thuật quân sự cao cấp, đế quốc Mông Cổ đã bánh trường và thâu tóm Trung Á và Trung Quốc và bộ phận lớn Nga, và Trung Đông. Sau khi Thành Cát Tư Hãn chết năm 1227, hầu hết Trung Á tiếp tục bị chi phối bởi người kế thừa ông ở đây - hãn quốc Chagatai (Sát Hợp Đài). Trạng thái này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, khi năm 1369 Timur, một nhà lãnh đạo gốc Turk trong truyền thống quân sự Mông Cổ, đã chinh phục hầu hết các khu vực.

Duy trì sự tồn tại của một đế quốc thảo nguyên còn không khó bằng cai trị các vùng đất chinh phục được bên ngoài khu vực. Trong khi các dân tộc thảo nguyên Trung Á thấy việc chinh phục của các khu vực bên ngoài này dễ dàng, họ lại thấy gần như không thể chi phối chúng. Các cơ cấu chính trị lan tỏa của các liên minh thảo nguyên khó được chấp nhận thành nhà nước phức tạp của các dân tộc tại chỗ ở nơi họ đến chiếm đóng. Hơn nữa, quân đội của những người du mục dựa trên số lượng lớn ngựa, thường là ba hoặc bốn con cho mỗi chiến binh. Duy trì các lực lượng này cần những vùng đất chăn thả rộng lớn, mà rất khó có bên ngoài thảo nguyên. Mỗi thời gian dài xa quê hương như vậy sẽ làm cho các đội quân thảo nguyên dần dần tan rã. Để cai trị các dân tộc tại chỗ, các dân tộc thảo nguyên đã buộc phải dựa vào chính quyền địa phương, một yếu tố dẫn đến sự đồng hóa nhanh chóng của những người du mục vào nền văn hóa của những người mà họ đã chinh phục. Một hạn chế quan trọng nữa là quân đội, hầu như không thể xâm nhập vào khu vực phía bắc đầy rừng; do đó, các nhà nước như NovgorodMuscovy bắt đầu trỗi dậy.

Trong thế kỷ XIV phần lớn Trung Á, và nhiều khu vực ngoài Trung Á, bị Timur (1336-1405), người mà phương Tây gọi là Tamerlane, chinh phục. Chính dưới triều Timur, các nền văn hóa du mục thảo nguyên Trung Á hợp nhất với văn hóa ổn định của Ba Tư (Iran). Một trong những hệ quả của nó là một ngôn ngữ hình ảnh hoàn toàn mới tôn vinh Timur và các đấng cai trị kế tục Timur. ngôn ngữ hình ảnh này cũng được sử dụng để trình bày rõ cam kết của họ với Islam giáo.[36] Tuy nhiên, đế chế rộng lớn của Timur sụp đổ ngay sau khi ông chết. Khu vực này sau đó bị phân chia giữa một loạt các hãn quốc nhỏ hơn, bao gồm cả các hãn quốc Khiva, hãn quốc Bukhara, hãn quốc Kokand, và hãn quốc Kashgar.